Mang thai bị ngứa khắp người là tình trạng khiến nhiều mẹ bầu khó chịu, thậm chí mất ngủ và lo lắng về sức khỏe của bản thân lẫn thai nhi. Dù phần lớn trường hợp là biểu hiện sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn, như ứ mật trong gan thai kỳ. Vậy mẹ bầu bị ngứa toàn thân khi mang thai là do đâu, có nguy hiểm không và nên xử lý như thế nào? Bài viết của Daibaccare dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ.
Vì sao mang thai bị ngứa khắp người?
Theo thống kê từ Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), khoảng 20–25% phụ nữ mang thai gặp tình trạng ngứa khắp người, thường xuất hiện rõ rệt trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.
Nguyên nhân có thể đến từ các yếu tố sinh lý hoặc bệnh lý như:
Thay đổi nội tiết tố
Thay đổi nội tiết là nguyên nhân chính khiến mẹ bầu bị ngứa khắp người. Khi mang thai, hormone estrogen và progesterone tăng mạnh khiến da mẹ bầu nhạy cảm hơn với các tác nhân bên ngoài. Điều này làm mẹ dễ bị ngứa toàn thân, đặc biệt vào ban đêm, ngay cả khi da không nổi mẩn.
Một nghiên cứu đăng trên Journal of the American Academy of Dermatology cũng cho thấy, thay đổi nội tiết có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh cảm giác của da, gây cảm giác ngứa ngáy kéo dài.
Da khô, mất nước
Cơ thể mẹ bầu phải “giãn nở” để phù hợp với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt ở vùng bụng, ngực, đùi. Điều này khiến lớp lipid bảo vệ da bị tổn thương, dẫn đến tình trạng da khô, bong tróc, căng tức và ngứa.
Dị ứng, kích ứng
Nhiều mẹ bầu khi mang thai có hệ miễn dịch bị suy giảm khiến mẹ bầu nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh hơn. Miễn dịch suy giảm cũng khiến làn da mẹ bầu nhạy cảm hơn với những tác nhân bên ngoài như phấn hoa, hóa chất, mỹ phẩm và thực phẩm. Điều này có thể gây ngứa toàn thân, đi kèm nổi mẩn đỏ nhẹ hoặc không rõ ràng.
Dấu hiệu ngứa sinh lý và ngứa bệnh lý mẹ cần phân biệt
Ngứa sinh lý (thường gặp, không nguy hiểm)
- Ngứa vùng bụng, đùi, ngực – nơi da bị kéo giãn
- Ngứa râm ran vào chiều tối hoặc ban đêm
- Không đi kèm dấu hiệu toàn thân như mệt, vàng da, buồn nôn
- Cải thiện khi dưỡng ẩm hoặc tránh tác nhân kích ứng
Ngứa bệnh lý
Nổi mề đay thai kỳ (PUPPP):
- Thường xuất hiện từ tháng thứ 7 trở đi
- Có các nốt mẩn đỏ, ngứa nhiều ở bụng rồi lan ra tay chân
- Không ảnh hưởng đến thai nhưng gây mất ngủ, khó chịu
Ứ mật trong gan thai kỳ (Cholestasis of Pregnancy – ICP):
- Ngứa lòng bàn tay, bàn chân, sau đó lan toàn thân
- Không nổi mẩn, ngứa dữ dội về đêm, không thuyên giảm
- Có thể kèm nước tiểu sẫm màu, phân nhạt, vàng da
- Đa phần bắt đầu sau tuần thứ 28 của thai kỳ nhưng cũng có thể bắt đầu sớm hơn.
Theo Cleveland Clinic, ICP có thể làm tăng nguy cơ sinh non hoặc thai lưu nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Nên nếu mẹ có các biểu hiện nghi ngờ ứ mật trong gan thai kỳ, cần đi khám và xét nghiệm chức năng gan, men mật càng sớm càng tốt.
Cách cách giảm ngứa cho bà bầu
Để giảm bớt cảm giác khi mang thai bị ngứa khắp người và giữ da khỏe mạnh trong thai kỳ, Daibaccare gợi ý mẹ nên áp dụng các biện pháp chăm sóc sau:
Dưỡng ẩm đều đặn mỗi ngày
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến mẹ bầu bị ngứa khắp người là do da mất nước, khô căng và mất cân bằng hàng rào ẩm tự nhiên. Do đó, việc dưỡng ẩm hàng ngày là giải pháp cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng.
Mẹ bầu nên ưu tiên chọn kem hoặc dầu dưỡng ẩm chuyên dùng cho mẹ bầu, với thành phần lành tính (thuần chay, hữu cơ, đã được kiểm chứng) không chứa corticoid, không paraben và không hương liệu nặng.
Thời điểm dưỡng ẩm tốt nhất là:
- Sau khi tắm – lúc da còn hơi ẩm
- Trước khi đi ngủ
- Khi cảm thấy da khô, ngứa hoặc căng tức
Lưu ý: Massage nhẹ nhàng theo chiều xoắn ốc để giúp kem thẩm thấu và hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn.
Uống đủ nước mỗi ngày
Dưỡng ẩm không chỉ từ bên ngoài mà còn cần bổ sung nước đầy đủ từ bên trong. Khi mang thai, nhu cầu nước của cơ thể tăng cao để phục vụ quá trình trao đổi chất và phát triển thai nhi.
- Mẹ nên uống từ 1.5 – 2,5 lít nước/ngày, có thể nhiều hơn nếu ra mồ hôi nhiều hoặc vận động thường xuyên
- Ngoài nước lọc, có thể bổ sung thêm nước dừa, nước ép rau củ, canh loãng, trái cây nhiều nước (dưa hấu, cam, táo…)
- Thiếu nước không chỉ khiến da khô mà còn tăng nguy cơ chuột rút, mệt mỏi và táo bón trong thai kỳ
Mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, chất liệu cotton
Trang phục trong thai kỳ ảnh hưởng nhiều đến trạng thái da và cảm giác ngứa ngáy của mẹ. Khi mặc quần áo chật, vải bí sẽ dễ gây ma sát, kích ứng và khiến mẹ bầu khó chịu hơn.
Khi chọn trang phục, mẹ bầu nên ưu tiên các chất liệu cotton, lanh, sợi tre tự nhiên thấm hút tốt, thoáng khí, tránh vải nylon, polyester, chất bó sát gây nóng ẩm và tích tụ mồ hôi – dễ làm ngứa nặng hơn
Khi ở nhà, nên chọn váy bầu dáng suông, quần áo rộng, không đường may cứng ở bụng hoặc ngực.
Lưu ý, nên giặt quần áo bằng nước giặt dịu nhẹ, không mùi hoặc dành cho da nhạy cảm
Tắm nước ấm vừa phải đúng cách
Việc tắm tưởng chừng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng lớn đến độ ẩm và sức khỏe làn da của mẹ bầu.Tắm đúng cách là:
- Không tắm quá nóng vì nhiệt độ cao sẽ làm mất lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da khô và ngứa hơn
- Không tắm quá lâu (nên giới hạn trong 10–15 phút)
- Chỉ nên tắm 1 lần/ngày, nếu ra nhiều mồ hôi có thể lau người bằng khăn ấm
- Dùng sữa tắm dịu nhẹ, không xà phòng, không mùi hóa học – ưu tiên sản phẩm cho da nhạy cảm hoặc da em bé
- Sau tắm, thấm nhẹ bằng khăn mềm và dưỡng ẩm ngay khi da còn ẩm
Tránh gãi mạnh hoặc chà xát vùng da ngứa
Dù cảm giác ngứa khiến mẹ muốn gãi ngay, nhưng gãi quá mạnh sẽ làm trầy xước da, tăng nguy cơ nhiễm trùng và hình thành thâm, rạn hoặc sẹo sau sinh.
Nếu cần, có thể ấn nhẹ, xoa hoặc chườm lạnh vùng da ngứa để giảm cảm giác khó chịu. Nếu mang thai bị ngứa khắp người quá khó chịu, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để giảm tình trạng trên.
Ngứa do mang thai khi nào cần đi khám bác sĩ?
- Ngứa dữ dội, kéo dài nhiều ngày
- Ngứa không có mẩn đỏ rõ, đặc biệt ở lòng bàn tay, bàn chân
- Kèm theo mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt, vàng da
Lời kết
Mang thai bị ngứa khắp người là vấn đề phổ biến và phần lớn là vô hại nếu nguyên nhân là sinh lý. Tuy nhiên, nếu cảm giác ngứa quá mức, kéo dài nhiều ngày hoặc đi kèm biểu hiện lạ, mẹ không nên chủ quan. Việc thăm khám sớm sẽ giúp mẹ bầu phát hiện kịp thời các nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi. Chúc các mẹ có thai kỳ khỏe mạnh!